Văn phòng tư vấn doanh nghiệp tại Thanh Hóa  - Dịch vụ Thành lập doanh nghiệp tại Thanh Hóa giá rẻ  - Thành lập công ty tại Thanh Hóa  - Chuyển nhượng sổ đỏ tại Thanh Hóa  - Hồ sơ cấp phép phòng cháy chữa cháy tại Thanh Hóa

Nguyên tắc bảo vệ người lao động trong luật lao động

Nguyên tắc bảo vệ người lao động trong luật lao động xuất phát từ quan điểm coi mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là “vì con người, phát huy nhân tố con người, trước hết là người lao động”. Nguyên tắc bảo vệ người lao động có nội hàm rất rộng, yêu cầu pháp luật cần thể hiện quan điểm bảo vệ họ với tư cách bảo vệ con người – chủ thể của quan hệ lao động. Tư vấn Blue xin được tổng hợp thông tin gửi đến quý vị để quý vị hiểu rõ hơn về nguyên tắc bảo vệ người lao động trong luật lao động.

lld

Ảnh minh họa

Nguyên tắc bảo vệ người lao động không chỉ bao hàm mục đích bảo vệ sức lao động, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, mà phải bảo vệ người lao động trên mọi phương diện: việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, cuộc sống của bản thân và gia đình họ, thời giờ nghỉ ngơi, nhu cầu nâng cao trình độ lao động, liên kết và phát triển trong môi trường lao động và xã hội lành mạnh.

Nguyên tắc bảo vệ người lao động bao gồm các nội dung sau đây:

Bảo vệ việc làm cho người lao động

Bảo vệ việc làm cho người lao động là việc pháp luật lao động bảo vệ người lao động để họ làm việc một cách ổn định, không bị người sử dụng lao động thay đổi hoặc cho nghỉ việc một cách vô lý. Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau để thực hiện một công việc, và pháp luật lao động muốn đảm bảo người lao động được thực hiện đúng công việc đó. Vẫn có những trường hợp người sử dụng lao động được phép thay đổi hoặc cho nghỉ việc người lao động nhưng những trường hợp đó đều phải tuân theo những quy định của pháp luật. Việc bảo vệ việc làm cho người lao động còn thể hiện ở việc bảo đảm thời gian làm việc của người lao động lâu dài và đúng theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Người lao động muốn tạm hoãn, đình chỉ, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đều phải có những căn cứ luật định và phải tuân theo những thủ tục riêng.

Bảo vệ thu nhập và đời sống người lao động

Người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động thường quan tâm đến thu nhập để đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, việc thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề thu nhập và thực tế thực hiện thỏa thuận này nhiều khi không tương xứng với sức lao động bỏ ra hoặc những đóng góp của người lao động. Đồng thời, thu nhập của người lao động cũng cần đảm bảo đủ chi trả cho cuộc sống của họ và gia đình. Do đó, bảo vệ thu nhập là một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc bảo vệ người lao động. Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, pháp luật quy định về những mức lương tối thiểu vùng, ngành,… Đồng thời, pháp luật cũng có những quy định đảm bảo mức thu nhập của người lao động phù hợp với công sức họ bỏ ra và những đóng góp của họ cho người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung mà người lao động được bảo vệ trong vấn đề này như thử việc, học việc, ngưng lao động không phải do lỗi của người lao động, khấu trừ lương, giảm lương,…

Bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động trong lĩnh vực lao động

Các quyền nhân thân của người lao động khi họ tham gia vào quan hệ lao động bị tác động khá nhiều. Pháp luật bảo vệ cho người lao động một cách toàn diện, do đó các quyền nhân thân của người lao động như danh dự, nhân phẩm, uy tín,sức khỏe, tính mạng,… của họ cũng được đặc biệt chú trọng. Về vấn đề sức khỏe, tính mạng người lao động, pháp luật đã đặt ra các quy định về an toàn vệ sinh, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi để đảm bảo người lao động có một sức khỏe ổn định, an toàn. Người sử dụng lao động cần điều chỉnh cho hợp lý thời gian làm việc của những người lao động đặc biệt như người tàn tật, người chưa thành niên, phụ nữ, người làm công việc nặng nhọc,… Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi người lao động mắc phải thì sẽ được trợ cấp, đảm bảo điều kiện cấp cứu, điều dưỡng, điều trị. Ngoài ra, người lao động còn được bảo vệ về các quyền nhân thân khác. Đặc biệt các quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người lao động được chú trọng. Người sử dụng lao động không được phép xúc phạm, phân biệt đối xử, trù dập người lao động trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật.

Vai trò của nguyên tắc bảo vệ người lao động

Nguyên tắc bảo vệ người lao động được pháp luật đưa ra nhằm tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội ổn định, ở đây người lao động chính là nguồn lực chủ yếu để sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó phát triển xã hội. Đồng thời, nguyên tắc này còn đảm bảo sự công bằng, thể hiện một tinh thần nhân đạo, nhân văn của pháp luật. Người lao động chiếm một phần lớn dân số, do đó nguyên tắc bảo vệ người lao động sẽ đảm bảo đời sống cho người dân, tránh những xung đột giữa các chủ thể trong quan hệ lao động, đảm bảo một thể chế chính trị vững chắc.

Cơ sở của nguyên tắc bảo vệ người lao động

Thứ nhất, việc xác định nguyên tắc này dựa trên những đường lối, chính sách của Đảng. Đảng ta đã nhận thấy khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động sẽ là bên yếu thế, họ đối mặt với nhiều nguy cơ phát sinh từ quan hệ lao động, dẫn tới đời sống của họ và gia đình bị ảnh hưởng. Người lao động trong quan hệ lao động khó có thể thỏa thuận bình đẳng với người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mình. Bởi lẽ ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, với tỷ lệ gia tăng dân số nhanh mà công việc thì không đủ để đáp ứng, chất lượng đào tạo chưa cao thì số lượng người thất nghiệp sẽ tăng cao, dẫn đến nhu cầu tìm việc thì cao mà công việc thì ít. Sự chênh lệch cung cầu như vậy sẽ khiến cho người sử dụng lao động có thể dồn ép người lao động khi tham gia thỏa thuận làm việc.

Thứ hai, việc xác định nguyên tắc bảo vệ người lao động nhằm hạn chế những nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của họ. Vì người lao động là người trực tiếp thực hiện các công việc được người sử dụng lao động giao, do đó họ có thể sẽ phải thực hiện công việc của mình trong điều kiện môi trường ô nhiễm, độc hại, không đảm bảo an toàn,… Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của họ, do đó cần có pháp luật lao động bảo vệ cho họ và hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động.

Thứ ba, người lao động luôn là bên yếu thế trong quan hệ lao động. Người lao động luôn bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động, bị người sử dụng lao động quản lý, điều hành. Do đó, người sử dụng lao động có thể từ quyền của mình mà sinh ra lạm quyền, ép buộc người lao động thực hiện theo ý mình và người lao động khi đó lại có xu hướng chấp nhận, cam chịu. Do đó, đây là một trong những cơ sở để đặt ra nguyên tắc bảo vệ người lao động.

Trên đây là các thông tin liên quan đến nguyên tắc bảo vệ người lao động trong luật lao động Tư vấn Blue tổng hợp chia sẻ với quý vị. Nếu quý vị có những thắc mắc về luật lao động hãy liên hệ với Tư vấn Blue để được giải đáp.

Các tin cùng chuyên mục

Bình Luận

zalo-icon
phone-icon