Văn phòng tư vấn doanh nghiệp tại Thanh Hóa  - Dịch vụ Thành lập doanh nghiệp tại Thanh Hóa giá rẻ  - Thành lập công ty tại Thanh Hóa  - Chuyển nhượng sổ đỏ tại Thanh Hóa  - Hồ sơ cấp phép phòng cháy chữa cháy tại Thanh Hóa

Khái niệm, đặc điểm và nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì hoạt động mua bán hàng hóa ngày càng đa dạng. Đối tượng của mua bán hàng hóa rất rộng chính vì vậy quản lý cũng cần chặt chẽ hơn. Công ty Tư vấn Blue Thanh Hóa xin được chia sẻ với quý vị các thông tin về khái niệm, đặc điểm và nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa như sau.

hop dong

Ảnh minh họa

1. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa

Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng, nó là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán.
Một hợp đồng được coi là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi có một trong các yếu tố sau:

– Căn cứ vào yếu tố chủ thể, hợp đồng được giao kết bởi các bên không cùng quốc tịch.

– Căn cứ vào yếu tố đối tượng, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đang tồn tại ở nước ngoài.

– Căn cứ vào nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, hợp đồng được giao kết ở nước ngoài (nước mà các bên chủ thể giao kết hợp đồng không mang quốc tịch) và có thể được thực hiện ở nước mình hay nước thứ ba.
Điều cần chú ý ở HĐ mua bán hàng hóa quốc tế là các bên tham gia giao kết hợp đồng sẽ rất dễ gặp phải các rủi ro đặc thù như xung đột pháp luật, do quá trình vận chuyển, thanh toán, thực thi cam kết hợp đồng.

2. Đặc điểm hợp đồng mua bán hàng hóa

Có thể xem xét các đặc điểm của HĐ mua bán hàng hóa trong mối liên hệ với HĐ mua bán tài sản theo nguyên lý của mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung.

– Đặc điểm chung của HĐ mua bán hàng hóa:

+ Là hợp đồng ưng thuận – tức là nó được coi là giao kết tại thời điểm các bên thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản, thời điểm có hiệu lực của HĐ không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao hàng hóa, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán nhằm thực hiện nghĩa vụ của HĐ mua bán đã có hiệu lực.

+ Có tính đền bù – bên bán khi thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua thì sẽ nhận từ bên mua một lợi ích tương đương với giá trị hàng hóa theo thỏa thuận dưới dạng khoản tiền thanh toán.

+ Là hợp đồng song vụ – mỗi bên trong HĐ mua bán hàng hóa đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên kia, đồng thời lại cũng là bên có quyền đòi hỏi bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong HĐ mua bán hàng hóa tồn tại hai nghĩa vụ chính mang tính chất qua lại và liên quan mật thiết với nhau: nghĩa vụ của bên bán phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ của bên mua phải thanh toán cho bên bán

– Đặc điểm riêng của HĐ mua bán hàng hóa

+ Về chủ thể, HĐ mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Luật thương mại 2005 quy định thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mai một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của HĐ mua bán hàng hóa. Theo khoản 3 Điều 1 Luật thương mại, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật thương mại.

+ Về hình thức, HĐ mua bán hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản, ví dụ như HĐ mua bán hàng hóa quốc tế- phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, telex, fax hay thông điệp dữ liệu.

+ Về đối tượng: HĐ mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Theo Luật thương mại Việt Nam 2005, hàng hóa là đối tượng của quan hệ mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai; hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại.

3. Nội dung của HĐ mua bán hàng hóa

Nội dung của hợp đồng nói chung là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Nội dung của HĐ mua bán hàng hóa là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa.

Hợp đồng bắt buộc phải bao gồm những nội dung chủ yếu nào là tùy thuộc vào quy định của pháp luật từng quốc gia. Việc pháp luật quy định nội dung của hợp đồng mua bán có ý nghĩa hướng các bên tập trung vào thỏa thuận các nội dung quan trọng của hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện và phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Luật thương mại Việt Nam không quy định hợp đồng mua bán hàng hóa phải bao gồm nội dung bắt buộc nào. Tuy nhiên, ta có thể thấy rằng, một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường phải chứa đựng sự thỏa thuận về đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm nhận giao hàng.

Trên đây là các thông tin về khái niệm, đặc điểm và nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa mà Tư vấn Blue Thanh Hóa tổng hợp. Các quý vị cần tư vấn về doanh nghiệp hay các thông tin liên quan hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Các tin cùng chuyên mục

Bình Luận

zalo-icon
phone-icon