Đăng ký biến động là thủ tục bắt buộc đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế… Thủ tục đăng ký biến động đất đai được quy định như sau:
- Thủ tục đăng ký biến động đất đai:
Bước 1: Người có yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định. Tùy theo từng trường hợp biến động đất đai sẽ có thành phần hồ sơ khác nhau.
Bước 2: Nộp hồ sơ: Người làm thủ tục nộp hồ sơ tại:
– Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
– Ủy ban nhân dân cấp xã nếu hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không: Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không là đầu mối nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao, khu kinh tế, cảng hàng không, sân bay dân dụng.
+ Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì Văn phòng đăng ký sẽ hướng dẫn cụ thể (01 lần, bằng Phiếu hướng dẫn) để người nộp hồ sơ biết cung cấp, bổ sung đúng quy định.
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Tiếp nhận, in Phiếu biên nhận, hẹn ngày trả kết quả.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ:
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra từng trường hợp đăng ký biến động đất đai và thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Bước 4: Nhận kết quả.
- Xử lý về hành vi không đăng ký đất đai
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, các trường hợp vi phạm không đăng ký đất đai sẽ bị xử lý như sau:
– Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 của Luật đất đai 2013 tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
– Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và 1 khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai 2013 tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai 2013 mà không thực hiện đăng ký biến động;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai 2013 mà không thực hiện đăng ký biến động.
– Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP .